21:31 - 03/08/2015
n mọi người tặng quà cho nó.- Ừ, ông bà ngoại đang sang, đợi chút. – Huy giải thích.
Nhà vợ Huy cũng ở trong thành phố nên vợ chồng Huy được dựa ông bà ngoại nhiều. Lúc thằng Bon còn ẵm ngửa, ông bà nội ở dưới quê có khi cả tháng mới lên thăm cháu được một lần, còn bà ngoại nó có lúc còn ở lại nhà vợ chồng Huy để chăm cháu cả tuần. Thế nên các cụ mới hay nói ‘cháu bà nội, tội bà ngoại’. Mẹ anh trước đây cũng thỉnh thoảng nói câu này khi chị gái anh thỉnh thoảng lại ôm con về gửi ông bà cả tháng vì cả hai vợ chồng đều bận đi làm. Mãi sau này khi con Bống, cháu anh, đủ tuổi đi mẫu giáo thì mới được ở gần bố mẹ.
Nếu Hoàng Anh lấy Linh Trang thì có lẽ anh cũng được nhờ ông bà ngoại lắm. Nhà Trang ở ngoài ngoại thành, đi vào thành phố mất không tới 30 phút chạy xe máy. Anh từng về nhà Linh Trang chơi không ít lần, bố mẹ cô cũng rất quý anh, không vì anh là trai tỉnh lẻ mà muốn ngăn cấm hai người đến với nhau.
Hoàng Anh rời nhà Huy trong tình trạng lê tê phê, đã uống rượu vào trước đó, vừa rồi Huy lại khui thêm mấy lon bia mời anh, thành ra đầu anh lúc này như bị ai lấy búa đập vào vậy. Vợ chồng Huy đều muốn giữ anh ở lại, nhưng Hoàng Anh không muốn làm phiền gia đình họ vào tối nay. Anh chạy xe ra khỏi khu chung cư cao cấp nơi gia đình Huy đang ở, vòng vèo qua vài con phố quen, cuối cùng đổ ập xuống chiếc giường nệm lạnh lẽo hơi người trong căn phòng ngủ tối om của mình.
Cả kim giờ lẫn kim phút của chiếc đồng hồ treo trên tường đều đang ì ạch bò dần tới con số 12. Ngày mới lại đã sắp sang.
Chương 2: Đêm lạnh
Hoàng Anh đưa mắt nhìn theo người đàn ông đang gò lưng đẩy chiếc xe xích lô tồi tàn chở đầy than tổ ong trong cơn mưa phùn mùa đông buốt giá, chiếc áo mưa ni lông màu xanh nhạt không che nổi tấm thân gầy gò trong bộ quân phục sờn cũ rộng thùng thình. Đôi chân ông mang giầy vải màu xanh đã bợt màu cũng được bao bởi hai chiếc túi ni lông nhưng cũng không tránh khỏi bị nước mưa làm cho ướt sũng. Đôi bàn tay đen đúa giữ chặt lấy yên xe, ông ra sức đẩy chiếc xe đầy than của mình, mỗi bước chân như dán chặt xuống mặt đường, nặng nề và đầy mỏi mệt. Hoàng Anh còn có cảm giác nhìn thấy đôi bờ vai nhỏ thó ấy run lên sau mỗi lần cất bước. Cơn mưa phùn kéo dài suốt từ sáng làm cho lòng đường xuất hiện đầy những vũng nước lớn, nhưng người đàn ông ấy cũng chẳng còn đủ sức để tránh đi, cứ thế một nhịp lại một nhịp, những bước chân đều đặn cứ chầm chậm tiến về phía trước, dẫm lên bất cứ thứ gì mà bàn chân đặt tới. Thỉnh thoảng có một chiếc xe máy hoặc vô tình, hoặc cố ý vọt nhanh qua những vũng nước đọng làm nước bẩn bắn tung tóe đầy lên người ông, nhưng ông vẫn cứ thế cặm cụi mà đi, dường như chỉ muốn nhanh chóng tới được nơi cần đến.
Hoàng Anh nhìn đồng hồ, đêm đã khuya lắm, có lẽ người đàn ông này đang trên đường trở về với gia đình của mình. Trên đôi vai ông không biết đang phải gánh bao nhiêu số phận, và không biết, những con người đó có bằng lòng với cuộc sống khó khăn của mình hay không? Nếu người đàn ông này có vợ, Hoàng Anh rất muốn hỏi bà ấy rằng bà ấy có cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống túng thiếu bên người chồng nghèo khổ của mình hay không? Bà ấy có bao giờ từng có suy nghĩ sẽ đi tìm một người đàn ông khấm khá hơn để cuộc sống của mình được dễ thở hơn chưa? Hoặc có lẽ, chỉ có đàn bà con gái thời nay mới có cái suy nghĩ thích tìm bóng cây to để dựa dẫm như thế?
Hoàng Anh không hiểu tại sao, nhưng bước chân của anh lại vô ý thức đi theo người đàn ông đó dọc con phố nhỏ, nơi mà anh thường thích đi bộ, trước đây cùng Linh Trang, bây giờ là một mình. Đó là một con phố dài, không quá sầm uất, đông đúc và có vỉa hè rất lớn. Từ nơi anh ở đi ra đây chỉ mất tầm 3 phút đi bộ mà thôi, thế nên vào các tối mùa hè, anh và Trang thường đi dọc hết phố để hóng gió, sau đó cô mới chịu để anh đưa về nhà. Mùa đông, khi anh đèo cô chạy lòng vòng ngắm phố phường, cô thường cho tay vào túi áo khoác của anh. Đôi khi cả bàn tay anh và bàn tay cô đều bỏ chung trong túi, tay cô ngọ nguậy trong tay anh, và cô kêu túi áo của anh nhỏ quá. Khi ấy Hoàng Anh thường cười đùa nói rằng, sau này mua áo anh sẽ chọn những chiếc áo có túi thật to để cả hai có thể cùng đút tay trong túi áo một cách thoải mái. Chia tay cô rồi, những buổi tối vừa đi bộ, một tay cầm điếu thuốc, một tay bỏ trong túi áo, anh mới biết, thì ra túi áo của anh cũng chẳng chật chội như anh vẫn tưởng.
Ngày ấy, mỗi lúc bên nhau, anh và cô đã nói rất nhiều về tương lai, về cuộc sống gia đình, và về cả những đứa trẻ. Đến tên của những đứa bé cũng đã được chuẩn bị sẵn. Hai người đã nghĩ về chuyện tương lai ngọt ngào bao nhiêu thì giờ nhớ lại Hoàng Anh càng thấy cay đắng bấy nhiêu. Tính trước bước không qua, mãi bây giờ Hoàng Anh mới tin vào câu nói cửa miệng đó của Linh Trang.
Người bán than vẫn nhọc nhằn đẩy xe than trong cơn mưa đêm lạnh tê tái. Chiếc xe cũ kỹ tới mức Hoàng Anh không dám suy đoán về số tuổi đời của nó, ngay cả ở quê anh - một vùng thuần nông, cũng không thể tìm thấy một chiếc xe tồi tàn tới mức ấy từ cách đây năm năm rồi. Hoàng Anh cũng rất thắc mắc, không biết một ngày người đàn ông này bán được bao nhiêu than, và với số tiền (anh đoán là không nhiều) đó, làm sao ông ta có thể tồn tại ở cái thành phố đắt đỏ, chỉ bước chân ra khỏi nhà là đã mất tiền này? Tự đặt câu hỏi như thế, nhưng ngay sau đó anh lại cười mình dở hơi, tự nhiên lại đi quan tâm những chuyện này. Nếu không có những người bán than này, thì dân ở cái thành phố này lấy đâu ra than mà dùng? Thế mới nói, cuộc sống luôn luôn cân bằng, niềm vui của người này sẽ là nỗi buồn của người khác, hạnh phúc của người này được xây dựng trên đau khổ của người kia, như một cán cân chưa bao giờ lệch, như trái đất, nửa này sáng thì nửa còn lại sẽ chìm trong bóng tối.
Hoàng Anh vẫn khâm phục nhất là Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, bởi dường như những gì nhà tự nhiên học danh tiếng này đề cập đến không chỉ là khoa học hữu hình mà còn đúng với mọi quy luật vô hình khác của cuộc sống. Tự nhiên luôn cân bằng, một khi sự cân bằng ấy mất đi, hoặc sinh vật sẽ tự tiến hóa, thay đổi để phù hợp với môi trường, hoặc chết đi nếu không chịu thay đổi. Cuộc sống cũng thế, hạnh phúc và bất hạnh cũng luôn cân bằng nhau, nếu những người quá hạnh phúc hoặc quá bất hạnh không biết tự điều chỉnh cuộc sống của mình, thì họ sẽ sớm bị xã hội bỏ lại sau lưng, sớm bị đào thải khỏi cuộc đời.
Đi được thêm một quãng, người đàn ông bán than dừng lại ở trước một hàng ngô nướng. Chị hàng ngô đã ngồi bán loại quà vặt này ở đây mấy năm rồi, từ bao giờ Hoàng Anh cũng không biết, chỉ nhớ từ khi anh bắt đầu biết ngồi lê la hàng quán vỉa hè với Linh Trang thì chị này đã ngồi bán ở đây, thế nên chị có cả đống khách quen, trong đó một thời cũng có anh và Trang. Hàng ngô của chị cũng đơn giản lắm, một...