Hạnh phúc của nó, đến bây giờ vẫn chẳng thẻ kể hết được, thế nên làm sao phải mặt ủ mày chau chỉ vì một gã trai vô tình nào đó...
***
Hạnh phúc là khi chạy ra ngõ và thấy bóng mẹ đằng xa đang đạp xe trong ánh hoàng hôn từ lâu không còn vàng nắng.
Hạnh phúc là khi đang ngồi gọn gàng xem ti vi, nghe tiếng xe tải ầm ì ngoài ngõ, loáng thoáng tiếng ba đã về nhà.
Hạnh phúc là khi hai chị em đang nằm trên chiếc chiếu cói từ lâu không còn lành, mắt nhắm mắt mở, ngáp ngắn ngáp dài nhưng khi mẹ-nón lá ướt mưa- lúc lắc trên tay hai hộp sữa chua thì mắt lại ráo hoảnh và tự hỏi “Lúc nãy con vừa buồn ngủ ạ?”
Hạnh phúc là khi chưa có em trai, con sẽ được ba cõng chạy khắp làng, ba sẽ cười vang, con sẽ cười vang và hai ba con mình sẽ là cặp cha con bụng bự-béo ú dễ thương nhất xóm.
Hạnh phúc là ngay cả khi có em trai, con vẫn được ba chở đi chơi mỗi sáng và ríu rít với mấy chú bạn ba rằng “Con gái của tao…”
Hạnh phúc là được cầm trên tay cây bút sáp màu đỏ và cứ bảo với nhóc em “Màu nâu này là màu đẹp nhất!” bởi khi đó “nâu” là cái tên rất “sang trọng” mà nó biết, và hiển nhiên thằng nhỏ gật đầu lia lịa đồng tình.
Hạnh phúc là được nhận phần thưởng đã bọc bởi tờ gói quà lóng lánh, nhìn khác xa với mấy đứa “bạn” trong lớp mẫu giáo. (Mãi sau này nó mới biết, phần quà ấy là mẹ mua cho, tại nó còn chưa đủ tuổi để học mẫu giáo mà.)
Hạnh phúc là được ba mẹ mua cho con Picachu vàng ươm như gà con sau khi đã run cầm cập vì chầu kem của mẹ. Và rồi nó sẵn sàng vất hết tạp vở mới được nhận trong buổi phát thưởng chỉ để ú òa ôm chầm lấy bé “pí cà… pí ca chu” của nó.
Hạnh phúc là bỗng nhiên được biết về ngày sinh nhật, được hai cô chú nhớ về ngày sinh nhật và còn được nhận quà vào cái ngày sinh nhật vô cùng đặt biệt ấy 26/03-khai sinh nhầm đúng ngày 26/03 *nháy mắt* Nó là một đứa khá kì quặc, khi phát hiện ra cái sự thật hơi bị lí thú này, nó thích thừa nhận nó là một nàng Kim Ngưu nhưng nhỡ vào cái ngày 26/03 gắn bó ấy không ai nhớ tới, nó lại tự kỉ nước mắt ngắn dài với gối ôm rằng “Ba mẹ không nhớ tao mày ạ…”
Hạnh phúc là khi được thầy Hiệu phó ngoắc tay vào phòng và bảo “Bé đen, con được giải rồi nhé…”-“Thầy chỉ nhớ mỗi con bé đen này…hì hì”. Và rồi nó sẽ ngu ngơ đạp xe trên mây. Mẹ phán một câu xanh rờn “Nhìn mặt con gái mẹ khờ thế cơ mà…”. Từ nhỏ tới lớn, lúc nào con chẳng là “con gái khờ” của mẹ-“Mới sinh ra cái mặt khờ của con nó đã thế…”
Hạnh phúc là được nghỉ học về nhà nghịch nước với nhóc em, là ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe đạp nhìn xe cộ trên đường bóp còi inh ỏi, là chơi trốn tìm với ba, là giả vờ ngủ say để chú bế về giường, là ngồi ngay ngắn xem Tây Du Kí mà không có ông nội “Cho ông xem Thời sự đã”, là nằm giữa ba mẹ và cho nhóc Tí ra rìa, là cười khoe răng sún khi ba bảo “Ba thương con gái nhất, con là con gái của ba, mẹ lừa con đấy, con gái ba không có nhặt từ cái bãi rác nào về cả…”, là mong ngóng từng ngày từng giờ chờ chú đi học xa về, là hào hứng với cái suy nghĩ “Tối nay con sẽ thức đón Giao thừa với ông nội” và rồi sẽ ngủ khì cho tới sang trong lòng ông, lem nhem mở mắt-dụi dụi “Sao ông không kêu con dậy với?”…
Hạnh phúc là thấy ba mẹ yên lành bên nhau ngày Tết chứ không phải là cãi vã, đập bể bát chén như mọi năm, là thấy mẹ cười hiền với ba và ba sẽ ôm hai chị em vào lòng, là nhận lì xì trong phong bao đỏ.
Hạnh phúc là ngồi bên ông, bứt lá mai để chào lộc mới, hoa mới, chào năm mới. Hạnh phúc là được một mình tự hào như thế vì trong cả bầy cháu chỉ mỗi nó được “sờ mó” vào mấy chậu cảnh của ông. Hạnh phúc là cũng chỉ nó được ông hỏi “Cây này đẹp chưa Xíu?”. Hạnh phúc là –cũng-chỉ-mình-nó được ông gọi “cháu gái đích tôn”.
Hạnh phúc của một đứa trẻ đơn giản chỉ là những khoảnh khắc tuổi thơ được nâng niu trong vòng tay ba mẹ, được yêu thương vỗ về bởi tấm lòng ông bà, được chở che trong kí ức của cô chú. Hạnh phúc của một đứa trẻ đơn giản là được công nhận sự cố gắng nỗ lực của bản thân, dù chưa nhận thức rõ sự cố gắng ấy có mục đích sâu xa hơn là gì, vì đối với nó-đó là niềm vui của ba mẹ, ông bà-và cũng chỉ cần có thế. Hạnh phúc của một đứa trẻ đơn giản là thấy những người lớn quanh nó được nhẹ nhõm cười đùa, dù đôi khi nó không hiểu ánh mắt mệt mỏi đó là gì, vì sao không làm gì sai nhưng nó vẫn bị mắng và buộc phải im lặng, hay nhiều nhiều cái vì sao “bất công” khác mà nó từng rấm rứt khóc với nhóc em-hoặc cả hai sẽ ôm nhau quay mặt vào tường, dù…tất cả những điều đó có xảy ra…nó vẫn có thể quên hết hết hết trong tích tắc để lại vỡ òa trong tiếng cười và “hạnh phúc” đơn giản của nó.
Người lớn ít khi xin lỗi, người lớn ít khi nhận lỗi nhưng lại luôn bắt trẻ con phải “nhận lỗi và xin lỗi”-đó là một điều nó thấy “rất rất chi là bất công” trong tuổi thơ của mình. Và bây giờ khi nó-một đứa con gái 19 tuổi, kiếng cận, da đe nhẻm và vẫn béo ú-đang ngồi lách cách gõ những dòng này-nó chợt thấy-bây giờ nó cũng thế, rất khó mở lời để xin lỗi và cả những lời yêu thương. Người lớn-không phải nó-nó là “cái đồ đủ tuổi mà chưa chịu lớn-đang giả vờ chối bỏ cái sự trẻ con-đang học đòi phán xét người lớn”-Người lớn 0 có vẻ cảm thấy xấu hổ với một thứ vô hình nào đó hơn là với cái người bị họ làm tổn thương và cần được xin lỗi-vô tình hay cố ý thì không cần xét đến. Người lớn “ngại” nói ra tình yêu thương của mình. Mà nói trắng ra là họ “nhút nhát” hơn so với những đứa trẻ, nói trắng hơn học là “cái đồ nhát ké”. Xem ra trẻ con có thể “lên mặt” với người lớn về khoản này rằng “Chúng cháu thừa dũng cảm và chúng cháu cũng yêu thương dạt dào hơn, chứ không ki bo tình cảm như người lớn ạ”. Thế thì cớ gì người lớn lại dạy cho trẻ con cái điều tốt đẹp mà họ chẳng “bao giờ” chịu làm thế nhỉ?
Hơi lan man một tẹo, lẽ ra nó nên hoàn thành nốt cái định nghĩa hạnh phúc “hâm hâm” của nó trước đã, lái vóng lái vèo, hay suy nghĩ miên man là cái tội của nó-một đứa con gái 19 sắp 20. (Hứa là sẽ có một ngày Người lớn và Trẻ con sẽ “ngang vai phải lứa” trong một buổi tọa đàm nhé, và khi đó…sự vụ như thế nào hãy chờ “hồi sau” sẽ rõ…)
Hạnh phúc của một đứa con gái như nó bây giờ, đơn giản là những phút thảnh thơi ngồi viết vớ va vớ vẩn thế này, là được nói chuyện thả hơi với thằng con trai kém nó bốn tuổi-chính xác là 3 năm 10 tháng 23 ngày, là nghe nhạc, là đọc những cuốn sách về những chuyện-biết tỏng chỉ hư cấu đầy mơ mộng viển vông-ấy mà cứ thích đọc, là lặng lẽ lên face rồi lại off, lên và ngắm nghía, tự cho mình cái quyền theo dõi và rồi bù lu bù loa lên, dẫu biết rằng chưa-chẳng-chắc không hẳn là gì của nhau, nhưng cứ thích giận dỗi, thích vờ hờn để người ta ỉ ôi, thích chơi cái trò “trẻ tờ râu” ấy dù từ lâu đã chán ngấy.
...