12:41 - 27/07/2015
- Em đi xe buýt, quên xuống ở bến trước ạ.
- Đầu óc bác học ghê nhỉ! Thế sao không gọi xe ôm mà đi bộ? Sát giờ rồi còn gì…
Thật may, câu hỏi tuy khó nhưng Quỳnh không phải trả lời. Khi cô mới chỉ bắt đầu ngắc ngứ, anh chàng đã vung tay chỉ về phía yên sau, nói tiếp luôn:
- Lên đi, anh chở, lấy giá hữu nghị, thề!
- Nhưng em không có mũ bảo hiểm.
- Giờ này các chú còn lo dẹp tắc đường, không bắt đâu.
- Nhưng em…
- Em mà còn “nhưng” nữa là anh muộn theo em luôn á.
Khi chữ “muộn” xuất hiện, mọi chữ “nhưng” bị đánh bay tan tác, Quỳnh hấp tấp leo lên sau xe Đức. Sau chưa đầy năm phút ngồi thu mình thật gọn và cúi đầu thật thấp, cuối cùng cô cũng thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe dừng trước cửa văn phòng. Thật không mấy dễ chịu khi cùng lúc phải mang đến hai nỗi nơm nớp, đi làm muộn và bị công an tuýt còi. Giờ thì cả hai nguy cơ đều đã tan biến, Quỳnh cho phép mình gặm trộm một miếng bánh mì trong lúc chờ Đức quay lại từ bãi gửi xe đằng xa. Cô ngoạm một miếng khá to mà không biết rằng toàn bộ hoạt động của mình trong vòng mươi phút vừa qua đã nằm trong tầm quan sát của một người.
Người này xưa nay chưa bao giờ thích tỏ vui buồn qua sắc mặt, cũng rất ít khi hành động khi chưa suy nghĩ kỹ càng. Dù trong đầu đã xuất hiện cả những câu hỏi lẫn những lời nhận xét nhọn hoắt dành cho Quỳnh, anh ta vẫn lùi xa khỏi chỗ cô đứng, lặng lẽ hoà vào đám cư dân công sở đi qua cánh cửa tự động của toà nhà. Thang máy đang ở trong thời điểm quá tải nhất nhưng anh ta không rẽ về phía cầu thang bộ như trước đây. Đã hai tuần nay, lối thang bộ vắng vẻ kia không còn là nơi đem đến cho anh ta cảm giác bình yên và thanh thản nữa.
Dĩ nhiên, thang máy nêm chặt những nhân viên văn phòng điển hình- những người nên ghi vào CV rằng kỹ năng tốt nhất của họ là buôn chuyện chứ không phải thuyết trình hay làm việc nhóm- lại càng không phải nơi lý tưởng để tìm kiếm những thứ xa xỉ như sự yên tĩnh hay thanh thản. Ngay khi cửa thang máy vừa đóng, một anh tuổi đang xoan huých khuỷu tay vào lườn một chị tuổi đã toan về già, nói với vẻ bí bí mật mật:
- Này, vừa nãy bà để ý bên đường không?
- Không, có chuyện gì?
- Thằng Cáp Treo chở gái sau xe.
- Hả? Thật á?
- Thật, cả tôi và thằng Long cùng nhìn thấy mà.
Chị gái lại khều nhẹ vào vai anh chàng nhỏ thó đang đứng sát bảng nút:
- Mày thấy con bé đi cùng thằng Cáp Treo không?
- Cáp Treo nào?
- Thì thằng suốt ngày chơi mốt dây đeo quần như bọn mỹ nam Hàn Quốc ý.
- À.
- Trông thấy con bé đi cùng nó không, xinh không?
- Cũng được.
- Cũng được thôi ấy à?
- Trông không sành điệu bằng em Yến nhà mình – anh chàng xoan lúc đầu nói chen vào, rồi như chưa thấy lời miêu tả đủ sát thực, anh ta thì thào giải thích rõ thêm – nhưng cũng khá chứ không phải dạng rẻ tiền quê quê đâu.
- Nó là ai mà lại đi quen gái vớ vẩn chứ. À, có phải con bé đấy đeo cái túi chéo màu khoai môn sống không?
- Màu khoai môn sống là màu gì?
- Thì màu giống như cái bộ sếp mặc hôm đón chuyên gia ấy.
Thang máy dừng ở tầng năm, bộ ba ngồi lê đôi mách kia trong lúc theo nhau lách ra đã kịp đổi sang chủ đề thời trang công sở và bỏ lại cho kẻ sẽ ra khỏi thang ở tầng tiếp theo một nỗi tò mò không dễ chịu. Túi đeo chéo màu khoai môn sống, còn “cáp treo” màu gì?
*
Tin tức liên quan đến đám tang của vua nhạc pop Michael Jackson, vụ rơi máy bay thảm khốc ở Yemen và hàng loạt cuộc bạo động sắc tộc ở Tân Cương dồn dập đổ về màn hình máy tính của tất cả mọi người trong phòng. Những bài dịch sớm cũng được dịch muộn cũng chẳng sao về bệnh Alzheimer và cách nuôi dạy trẻ tự kỷ của nhân viên thử việc như Quỳnh cũng bị gác lại. Mọi người trong phòng tập trung theo dõi những tin tức nóng hổi từ CNN, AFP, AP… Ngay cả trưởng nhóm, người thường ngày thường chỉ đọc soát bản dịch (và… bới lông tìm vết) cũng phải lao vào trực tiếp thanh toán một bài phân tích đầy thuật ngữ chính trị phức tạp. Khi những tin bài quan trọng đã được những “thợ dịch bậc cao” đẩy lên trang nhất, các mốc dữ kiện hình ảnh cũng được mấy biên dịch viên non kinh nghiệm rải đều ở các cột phụ, một tiếng rưỡi nghỉ trưa đã trôi hết sạch.
- Giờ này thì còn đi ăn gì được nhỉ? – Lân vươn vai.
- Xuống dưới kia ăn tạm bát miến cua, hàng chị ấy bán đến ba giờ cơ – Hạnh ngáp dài, nói mà không có ý định nhấc người dậy.
- Hôm qua hôm kia em đều phải ăn miến cua, sợ lắm rồi! – Cúc Anh nằm gục xuống bàn.
- Ăn hamburger được không mọi người? Này, dậy đi mua đi! – Một anh chàng gầy choắt ngồi cạnh Cúc Anh vươn tay đập bồm bộp vào lưng ghế của cô nàng.
- Ai mua về cho tôi thì tôi ăn, tôi không ra khỏi đây đâu. Nóng lắm! – Cúc Anh nói mà vẫn không ngẩng đầu lên.
- Đúng rồi, ai đi mua đi – Mấy người còn lại nhao lên.
Quỳnh cúi xuống nửa phần bánh mì ruốc đã để dành từ sáng. Cô thừa hiểu “ai” ở đây là ai. Để tỏ rõ sự thiện chí và cầu thị của một nhân viên mới, cô nên đi mua đồ ăn trưa cho mọi người như đã từng đi mua chè và caramen tuần trước. Nhưng khi trong ví chỉ còn đủ tiền cho ba phần tư chiếc hamburger và khi mọi người chẳng có vẻ gì là muốn góp tiền, cô sẽ chỉ có thể lựa chọn phương án ba không, không nghe không thấy không biết. Dù sao thì cô cũng bị mất nhiều điểm trong mắt đồng nghiệp lắm rồi, mất thêm lần này cũng chẳng vấn đề gì.
Từ chỗ ngồi của mình, Đăng thấy được hết những biểu hiện từ bối rối, áy náy đến lì lợm, bất cần mà Quỳnh đang cố để không ai thấy. Anh vẫn nhớ thái độ này của cô, rất nhớ là khác. Bốn năm trước, cứ khi nào bị đẩy vào hoàn cảnh khó xử, cô cũng phản ứng y như vậy. Rồi như chợt nhận ra mình sắp mỉm cười, anh quay người ngó ra ngoài cửa sổ. Trời đang quá xanh, mây đang quá trắng, nắng đang quá vàng, những quả cầu hút nhiệt lác đác trên mái các nhà dân thì gần như bất động, bức tranh với những tông màu bị đẩy đến mức chói gắt này hẳn sẽ chỉ đem đến cảm giác đuối sức cho người nào bất đắc dĩ phải trở thành nhân vật trong nó. Đăng quay lại với màn hình máy tính. Anh hít sâu bầu không khí khô lạnh dễ chịu của văn phòng, vừa gõ địa chỉ trang web của một cửa hàng pizza quen, vừa nói mà không nhìn ai cả:
- Pizza 112 hôm nay mua 2 tặng 1. Có ai ăn Bố Già không?
Ngay lập tức, cả phòng nhao lên với bộ sưu tập nhân bánh nghe kêu choanh choách. Hai mươi phút sau, trong khi độc giả của tờ báo điện tử đang thưởng thức những mẩu tin quốc tế nóng rực đầy phè màn hình thì những người dịch chúng đang quây quanh chiếc bàn họp giữa phòng, cắn ngập răng từng góc một phần sáu của mấy chiếc pizza nhân cá anchovie và hành tây, nhân xúc xích chorizo và ớt, nhân nấm và rau chân vịt… Một loáng sau, trên bàn họp chỉ còn lại toàn hộp giấy, lon rỗng và những vỏ gói tương cà chua nhỏ, ai nấy đã trở về bên máy tính của mình để tiếp tục theo sát tình hình thời sự thế ...