12:41 - 27/07/2015
ế xong rồi cụ có tìm được file không?Đức có lẽ chỉ chờ câu hỏi đó. Anh chàng tì tay lên bàn, vừa hấp tấp ăn bù cho mấy phút vắng mặt, vừa kể lể với vẻ bức xúc nhưng đầy âu yếm về ông bố sắp về hưu “low-tech mà còn đú” đã lưu nhầm folder ra sao, gọi điện hớt hải như sắp cháy nhà thế nào. Cuối cùng, khi câu chuyện mất file đã đi đến một kết thúc có hậu và món tráng miệng đã xuất hiện trên bàn, sắc hồng lờ mờ dần trở lại trên gò má Quỳnh.
Cô im lặng nhấm nháp miếng bánh bột gạo nhân dâu tây, kiên nhẫn làm khán giả theo dõi cuộc tranh cãi không đầu không đuôi về Minh Trị Thiên Hoàng, Công nương Masako và… Maria Ozawa mà Đức là người khơi ra nhưng lại không chiếm ưu thế. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Đăng đánh rơi chiếc mặt nạ điềm tĩnh mà bấy lâu anh ta đeo như dán vào da, thể hiện thái độ “hiếu chiến” khó tin. Quỳnh nhìn anh ta bẻ lại Đức trong từng chi tiết nhỏ nhất, tự nhiên thấy ấm ức thay. Có vẻ như việc dồn ép cô phát khóc bằng một tràng câu hỏi đục khoét vào quá khứ chưa làm kẻ độc ác ngạo mạn này hài lòng. Anh ta định biến người bạn mới của cô và cũng là người hào phóng mời anh ta ăn trưa thành nạn nhân tiếp theo chăng? Quỳnh cảm thấy cần phải làm gì đó để bảo vệ Đức. Nhưng ngay khi cô định lên tiếng, Đăng đã quả quyết nghiêng đầu về phía cửa, chấm dứt bữa trưa ê hề nhưng vô bổ của ba người bằng câu gọi tính tiền gọn lỏn.
Cô gái phục vụ mang chiếc bìa da kẹp hoá đơn vào. Theo thói quen, cô đưa nó về phía người khách mà cô đã nhớ mặt, người có thẻ VIP của nhà hàng. Nhưng mới chỉ đi được nửa đường, tấm bìa đã rơi vào tay anh chàng lớn tuổi hơn sau một hành động hơi giống “hớt tay trên”, bất ngờ và có phần thiếu lịch sự. Anh ta mở bìa kẹp, liếc qua con số mà ai cũng biết là hơi nhiều đuôi 0 so với một bữa trưa của dân văn phòng, rồi lẳng lặng rút ví.
- Ấy, anh để em trả – Đức, dường như không cảm nhận được thái độ khác lạ của đàn anh, sốt sắng nhoài sang giành hoá đơn.
Đăng gạt nhẹ tay Đức, đẩy chiếc bìa kẹp hoá đơn ra khỏi tầm với của cả hai, rồi rút bừa mấy tờ polyme mệnh giá lớn đưa cho nhân viên. Thật không may, mấy tờ tiền mới chỉ chạm được vào đầu ngón tay của cô gái phục vụ đã bị giật lại một cách phũ phàng đến nỗi phát ra tiếng “roẹt” mà ngay cả người nghễnh ngãng cũng nghe rõ (tác giả xin cảm ơn những người đã quyết định đưa tiền polyme vào lưu thông để hoạt cảnh này có thể diễn ra trọn vẹn mà không có thiệt hại gì!). Đức cầm tiền thả về phía Đăng với vẻ khá cẩu thả, gần giống như vứt trả. Vào một ngày bình thường nào đó, Đăng sẽ chẳng chấp nhặt hành động của thằng nhóc vô tư quá hoá vô tâm này làm gì. Nhưng đúng vào lúc tâm trạng của anh không hiểu sao lại vô cùng căng thẳng như bây giờ, hành động mang đậm phong cách thiếu gia thừa tiền của Đức biến thành lời khiêu chiến rõ ràng.
Và thế là, trước sự bối rối của Quỳnh và sự ngạc nhiên của cô gái phục vụ, một cuộc tranh giành hoàn toàn không phù hợp với không khí trầm lắng của nhà hàng Nhật bắt đầu diễn ra. Nếu không vướng cái bàn đã được dọn gần hết bát đĩa nhưng vẫn còn mấy cốc nước uống dở, có lẽ hai vị khách nam đã biến căn phòng thành sới vật.
Quỳnh nhìn nét mặt cố gắng bình tĩnh và tươi tỉnh nhưng không giấu nổi vẻ sốt ruột và có phần khó chịu của cô nhân viên, tự nhiên thấy sượng sùng. Ánh mắt cô gái liếc vội về phía cô dù kín đáo nhưng cũng ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa. Không chịu nổi cái nhìn phê phán ấy, trong tích tắc, Quỳnh quyết định để cho bản tính bốc đồng của “cô Khùng” trỗi dậy. Vươn người thật nhanh, nhặt tờ hoá đơn đã bị cuộc vật lộn hất xuống dưới sàn, cô mím môi rút toàn bộ tiền trong ví ra giúi cả vào tay cô gái phục vụ. Và không nói thêm một lời với Menelaus và Paris* lúc này còn đang ngớ ra chưng hửng, nàng Helen hiên ngang đứng dậy, rời khỏi chiến trường với gương mặt hả hê thắng lợi, bất chấp một sự thật kinh khủng là toàn bộ tiền điện nước xăng xe tháng này của nàng đã nằm lại nơi đây!
*: Hai nhân vật trong trường ca Iliad của Homer, họ đánh nhau để tranh giành nàng Helen.
Vài ngày sau bữa trưa quá thịnh soạn, nàng Helen thế kỷ 21 bước lên xe buýt với hai thứ đều lép kẹp là bụng và ví. Dù đã cố gắng co kéo đến nỗi không dám đi xe máy đi làm, chỉ mua một suất bánh mì ruốc cho cả bữa sáng và bữa trưa, nàng vẫn phải căng óc nghĩ cách xoay tiền để sống sót cho đến khi bố mẹ nàng hoàn thành xong tour thăm thân kết hợp chữa bệnh (cho người khác) ở miền Nam và trở về Hà Nội, hoặc đến khi nàng nắm trong tay tháng lương đầu tiên.
Bán chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng mà bố mẹ mới tặng nhân dịp tốt nghiệp, mua một chiếc hàng Tàu nhái có hình dáng na ná, lấy số tiền chênh lệch để cầm hơi? So với việc rao vài món quần áo giày dép trên muare.vn rồi nhăm nhăm “up topic” và trả lời tin nhắn mặc cả (chưa kể có khi còn bị đòi “ship” tận nơi) hay việc gọi điện nói bâng quơ dăm câu ba điều với đứa bạn nào đó, nghe nó nói xấu từ sếp đến người yêu đến oshin nhà hàng xóm chán chê mới dám ngập ngừng “à này” rồi hỏi vay vài trăm ngàn, việc ghé qua cửa hàng thu mua điện thoại cũ là cách đơn giản gọn gàng nhất. Được rồi, nếu đến ngày mai mà vẫn không có người lớn nào trong họ qua thăm hay người bạn nào của bố mẹ tình cờ ghé qua chúc Tết muộn (muộn những sáu tháng!), Quỳnh sẽ đem con dế hồng thời trang này ra làm vật tế thần, thần Tài!
Tạm yên tâm với những suy tính, cô quên khuấy mất việc phải xuống ở điểm dừng gần nhất. Khi chiếc xe đã đi quá một trạm, Quỳnh mới nhớ ra và hớt hải chen xuống. Còn gần mười phút nữa là tới giờ làm việc, quãng đường từ đây trở lại văn phòng cũng không dài lắm, nếu là bốn năm về trước, có lẽ cô đã chẳng ngần ngại xách giày lên tay, chạy thục mạng. Nhưng bây giờ, với hai bên xương bánh chè đều bị tổn thương nặng, cô không thể làm gì hơn là bước đi nhanh hết mức có thể và cầu trời cho tất cả mọi người trong toà soạn, hoặc trong phòng Tin quốc tế thôi cũng được, đều bị tắc đường và kẹt thang máy.
Nhưng trước khi những lời cầu nguyện rất thành tâm nhưng hơi thất đức ấy lọt được vào danh sách “cần duyệt khẩn cấp” của các đấng tối cao, họ đã kịp sắp đặt một giải pháp khác cho Quỳnh. Người làm nhiệm vụ bưu tá chuyển phát nhanh phương cách ấy đến tay cô là nam giới, trong độ tuổi hai mươi, ăn mặc sành điệu, cưỡi trên chiếc xe tay ga cao nghệu. Từ làn đường bên kia, người đó nhận ra cô và rẽ sang khi còn chưa kịp chạm tay vào nút bật xi-nhan. Không thèm để ý đến hàng chục ánh mắt hình viên đạn và vài câu cục cằn của những chủ xe đi sau, tác giả của cú tạt trái mạo hiểm đó tấp vào sát vỉa hè, vừa đi ngược chiều đường, vừa bấm còi pim pim cho đến khi Quỳnh giật mình quay ra, để rơi khỏi miệng hai chữ “anh Đức” đầy ngơ ngác. Chào cô bằng một nụ cười sáng trưng như trong quảng cáo kem đánh răng, Đức hỏi:
- Sao hôm nay em lại đi đường này?...